Cần tiếp tục giảm lãi vay trên dư nợ hiện có

09/09/2020 18:25

Cái gần hơn, cần hơn, cũng đã được Thủ tướng Chính phủ lưu tâm, bên cạnh hạ tiếp lãi vay, là hạ lãi vay cho những khoản dư nợ hiện hữu.

Một trong những thông điệp mà Người đứng đầu Chính phủ đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 diễn ra hôm 4/9, là dịch bệnh đã được kiểm soát và các hoạt động kinh tế- xã hội cơ bản được khởi động lại với nhiều điểm sáng, đặc biệt là sức khỏe tài chính có thể vượt qua tác động COVID-19.

Cần tiếp tục giảm lãi vay trên dư nợ hiện có - Ảnh 1.

Doanh nghiệp kỳ vọng NHNN sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN với việc chú trọng yêu cầu hạ lãi vay trên dư nợ hiện có. Ảnh: Giao dịch tại VPBank trong mùa dịch (nguồn ảnh: VPB)

Theo Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh, bao gồm 4 nhân tố: nợ công, nợ quốc gia, chi phí vay và dự trữ ngoại hối.

Đây cũng là những yếu tố mà trong báo cáo về kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phân tích và cho rằng là những tích cực của kinh tế Việt Nam – một kết quả của chính sách điều hành kinh tế phù hợp, uyển chuyển trong thời gian dài hơn 3 năm qua; cũng có thể xem là "bộ đệm" quan trọng để Việt Nam vượt qua khó khăn của bối cảnh đại dịch chung và phát huy các lợi thế của mình.

Lưu ý các rủi ro thách thức từ bên ngoài, đặc biệt vấn đề bong bóng tài sản tài chính có thể xảy đến trong khi các dòng tiền lớn bơm ra, Thủ tướng nhấn mạnh, cần điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế, nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Đồng thời, Thủ tướng nêu định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có với yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Thực tế, việc sửa đổi Thông tư 01 đã được các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị ngay sau thời gian không lâu văn bản pháp lý này được ban hành. Trong đó, việc cơ cấu thời gian trả nợ đi kèm nỗi lo ngại dịch bệnh chưa biết bao giờ kết thúc khiến việc ấn định thời gian kết thúc cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 quá ngắn, ít khoảng giãn cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khẳng định: "NHNN nên cho phép các tổ chức tín dụng chủ động xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với toàn bộ khoản vay vì hiện tại chưa rõ khi nào sẽ thực sự chấm dứt dịch".

Tiếp thu các ý kiến và xuất phát từ thực tiễn, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Nay với việc "bật đèn xanh" của Người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp kỳ vọng Thông tư sửa đổi Thông tư 01 sẽ sớm được ban hành và đặc biệt có sự lưu ý chi tiết của Thủ tướng về việc sửa đổi này phải theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến; đồng thời hoàn thiện đề án, nghị định quy định về Fintech, cho vay ngang hàng, xác thực điện tử...

Ông Đình Thanh, Tổng giám đốc một Công ty Truyền thông Sự kiện, cho biết trong thời gian qua, như nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ khác, họ đã mong ngóng rất nhiều các gói kích thích kinh tế, các đợt hạ lãi vay… Song đến lúc này, hầu hết doanh nghiệp nào có điều kiện vay mới, cũng đã vay được ngân hàng. Doanh nghiệp nào chưa được hỗ trợ, chưa được vay mới… thì cũng khó có thể nhận được hỗ trợ hay vay thêm. Thậm chí có những doanh nghiệp để cầm cự đã tận dụng, phát huy mọi điều kiện của mình nhằm được vay và vay hết hạn mức…

"Tuy rằng nhu cầu tín dụng mới sẽ còn tiếp tục cùng với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế theo kỳ vọng cao hơn, dưới xúc tác của đầu tư công và các quyết sách, nhưng những mong ngóng hỗ trợ thực chất của khối kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, phần nào đã bão hòa trước các rào cản tiếp cận. Do đó, cái gần hơn, cần hơn, rất thực chất lúc này, đúng như Thủ tướng đã thấu tỏ tâm ý mong chờ của doanh nghiệp, là hy vọng ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi vay đối với những khoản dư nợ hiện có", ông Thanh cho biết.

Chia sẻ với DĐDN, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc cũng khẳng định lãi vay của khối bất động sản nói chung dao động từ 8- 12% hoặc cao hơn dù ngành ngân hàng đã hạ mức lãi vay chung từ 2,5- 4%. Trong khi bất động sản đang khó khăn và tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao cho hệ thống ngân hàng, không hạ lãi vay trên nợ hiện có thì rủi ro hiện hữu sẽ trở thành hiện thực, dù việc cơ cấu lại nợ có cho giãn thêm thời gian…

"Nếu ngành ngân hàng triển khai được sớm, gấp, chi tiết và thực tế yêu cầu hạ lãi vay trên dư nợ hiện có, hẳn sẽ không có sự hỗ trợ nào thiết thực hơn đối với doanh nghiệp vào lúc này. Bởi, cơ cấu lại nợ là một phần hỗ trợ nhưng tất yếu đến hết thời hạn cơ cấu doanh nghiệp vẫn phải đúng đủ lãi, gốc nợ. Trong khi dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong trả lãi nợ vay, dù là trả sớm hay muộn. Rất mong yêu cầu chính thức của Thủ tướng về việc sớm sửa đổi Thông tư 01, sẽ đòi hỏi sự vào cuộc gấp rút của NHNN để ra văn bản sớm nhất có thể. Quan trọng nữa là sát gần thực tế cho doanh nghiệp được thụ hưởng từ các hỗ trợ của ngành ngân hàng", doanh nghiệp nói.


Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Bạn đang đọc bài viết "Cần tiếp tục giảm lãi vay trên dư nợ hiện có" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0977.381.982) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.kinhtexanh@gmail.com).