Dự trữ ngoại hối tăng vọt - Con dao hai lưỡi?

21/04/2021 18:13

Dự trữ ngoại hối là 1 công cụ bảo hiểm nhưng cũng là thứ có thể khiến 1 nền kinh tế bị chỉ trích dữ dội.

Đáng lẽ Đài Loan đã có thể ăn mừng. Nền kinh tế này trở thành ngôi sao sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị đại dịch tàn phá nặng nề. Hơn nữa nguyên nhân cũng rất xác đáng: kinh tế của hòn đảo đã nhận được cú hích lớn từ việc doanh thu chip bán dẫn bùng nổ - điều sẽ không sớm chấm dứt. Trong 2 tháng đầu năm 2021, lượng đặt hàng đối với những con chip mà Đài Loan sản xuất ra đã tăng tới 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng chính cỗ máy xuất khẩu đang hoạt động hết công suất lại đang khiến các quan chức Đài Loan phải phiền lòng khi thu hút những sự chú ý ngoài ý muốn. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đặt Đài Loan vào danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ cần phải giám sát chặt với cáo buộc thao túng tỷ giá hối đoái. Và hoạt động xuất khẩu bùng nổ chỉ khiến Đài Loan càng trở nên nổi bật hơn.

Đài Loan không đơn độc. Trên khắp châu Á, dự trữ ngoại hối – chỉ số vẫn là một trong những yếu tố được xem xét đến khi đánh giá 1 nền kinh tế có thao túng tiền tệ hay không – đã tăng mạnh. Ngoại trừ Trung Quốc (nơi dữ liệu khó diễn giải hơn) thì dự trữ ngoại hối của 10 nền kinh tế lớn nhất châu Á đã tăng tổng cộng khoảng 410 tỷ USD trong năm ngoái, cao nhất từ trước đến nay theo thống kê của The Economist.

Hầu hết các nền kinh tế châu Á đều giống với Đài Loan, đã được hưởng lợi từ nhu cầu về các thiết bị điện tử và hàng hóa tiêu dùng trên thế giới tăng vọt do những đợt phong tỏa Covid-19. Hoàn cảnh của Philippines và Ấn Độ thì phức tạp hơn: xuất khẩu lao dốc nhưng nhập khẩu còn giảm mạnh hơn, khiến họ từ những nước bị thâm hụt cán cân vãng lai chuyển thành có thặng dư cán cân vãng lai lớn trong năm ngoái.

Câu hỏi gây nhiều tranh cãi là liệu dự trữ ngoại hối tăng mạnh có phải là chuyện xấu hay không. Một số người cho rằng chuyện tăng dự trữ ngoại hối là xuất phát từ nỗ lực ngăn chặn đồng nội tệ tăng giá, thể hiện chính sách thương mại "hàng xóm ăn mày", tức tăng xuất khẩu trên chi phí của những nước khác.

Tuy nhiên, cũng có luận điểm để có thể đi đến kết luận trái ngược. Đối với những nước nhỏ, mục tiêu của họ chỉ đơn giản là giảm rủi ro biến động tỷ giá xuống mức thấp nhất chứ không phải giữ cho đồng nội tệ giá rẻ. Và đối với các nước đang phát triển, dự trữ ngoại hối chính là cứu cánh cho thanh khoản nếu như dòng vốn nước ngoài đột ngột bị rút ra – 1 bài học đã được rút ra từ khủng hoảng tiền tệ châu Á cuối những năm 1990.

Đối với châu Á, điều này rất quan trọng. Trong giai đoạn năm 2013, khi Mỹ rút lại các biện pháp kích thích kinh tế, các thị trường mới nổi đã chao đảo vì nỗi lo sợ Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ. Ấn Độ và Indonesia là những nước đặc biệt mong manh vì phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn bên ngoài. Tăng dự trữ ngoại hối giúp 2 nền kinh tế này vững vàng hơn. Nếu như họ có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trong năm nay, nhập khẩu sẽ hồi phục và thặng dư cán cân vãng lai sẽ biến mất.

Việc các nền kinh tế phát triển hơn – đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan – tăng dự trữ ngoại hối là điều gây ra nhiều sự phản đối hơn. Và có vẻ như họ cũng nhận thấy điều đó. Đáng chú ý nhất là Trung Quốc, bởi nước này đã có 1 vài bước nhất định để che đậy. Dự trữ ngoại hối mà NHTW Trung Quốc nắm giữ đã tăng khoảng 97 tỷ USD kể từ đầu năm 2020, tương đương mức tăng rất nhẹ khoảng 3%. Tuy nhiên lượng tài sản nước ngoài ròng mà các ngân hàng thương mại nước này nắm giữ đã tăng 183 tỷ USD trong cùng kỳ, tương đương 27%. Các nhà giao dịch tiền tệ ở Trung Quốc cũng nhận định các ngân hàng quốc doanh lớn chính là những người mua USD nhiều nhất tại những thời điểm đồng nhân dân tệ tăng giá.

Lời bào chữa tốt nhất cho 3 nền kinh tế nói trên là họ chỉ muốn kiểm soát tốt hơn tốc độ tăng giá của đồng nội tệ mà thôi, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn vì đại dịch như hiện nay. Dù dự trữ ngoại hối tăng mạnh, các đồng nội tệ của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan chỉ tăng khoảng 5% so với USD tính từ giữa 2020 đến nay.

Dù đại dịch khiến rất nhiều quy tắc thay đổi, vẫn có 1 sự thật không hề thay đổi: dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế châu Á là 1 công cụ để bảo vệ họ trước thị trường tiền tệ toàn cầu quá thất thường và không hề có được lòng tin của các nhà hoạch định chính sách.

Tham khảo The Economist

 

Thu Hương

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Bạn đang đọc bài viết "Dự trữ ngoại hối tăng vọt - Con dao hai lưỡi?" tại chuyên mục Chính sách – Sự kiện. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0977.381.982) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.kinhtexanh@gmail.com).