Bật "đèn xanh" cho ngân hàng chia cổ tức

(ĐTCK) Cổ đông nhiều nhà băng đang kỳ vọng được nhận cổ tức sau một năm thắng lớn của ngành ngân hàng, nhất là khi cơ quan quản lý chưa có chỉ đạo cấm chia cổ tức bằng tiền như những năm trước.

Không cấm chia cổ tức bằng tiền

Còn nhớ, trong mùa đại hội cổ đông năm trước, các ngân hàng phải chật vật mới tổ chức được đại hội do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Cổ đông nóng lòng tham gia đại hội để thảo luận về vấn đề chia cổ tức.

Tại đại hội cổ đông SCB, các cổ đông đã chất vấn khá gay gắt và đại diện Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng thời điểm đó trần tình: “Cổ tức tiếp tục là vấn đề trăn trở. Bản thân SCB cũng rất muốn chia cổ tức cho cổ đông, nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì không được phép. Vậy Ngân hàng phải làm sao?”.

Cũng theo CEO SCB, “hiện, SCB còn nắm giữ hơn 20.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC, đã trích lập dự phòng hơn 40%. Quỹ dự phòng của SCB hiện đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, nên Ngân hàng vẫn đang nỗ lực xử lý nợ xấu để sớm được hoàn nhập dự phòng. Sau tái cấu trúc, cổ đông sẽ nhận được cổ tức”.

Không gay gắt nhưng cổ đông của Techcombank cũng thẳng thắn chia sẻ băn khoăn về câu chuyện không chia cổ tức của Ngân hàng năm 2019. Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh phải dành thời gian giải thích với cổ đông về lý do giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước như Basel 2 và tăng cạnh tranh trên thị trường…

Thực tế thì các ngân hàng không dễ dàng chia cổ tức như trước, bởi gần 10 năm trở lại đây, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn ban hành Chỉ thị về hoạt động ngân hàng, trong đó có đề cập trực tiếp tới vấn đề chia cổ tức. Theo đó, việc chia cổ tức của các ngân hàng phải có ý kiến của NHNN hay không được phép chia.

Cụ thể, năm 2020, NHNN ban hành Chỉ thị số 02 về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19. Chỉ thị yêu cầu các ngân hàng trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt để tập trung nguồn lực giảm mạnh lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện nay và các khoản cho vay mới.

Trong một năm nền kinh tế gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 như 2020, những tưởng cổ đông phải “chùng lòng” khi nghĩ đến câu chuyện cổ tức của năm tài chính 2020. Tuy nhiên, việc các ngân hàng công bố lợi nhuận năm 2020 vẫn tăng mạnh khiến cổ đông lại kỳ vọng được chia cổ tức.

Tại MSB, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 ghi nhận khoản lợi nhuận trước thuế hơn 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với năm 2019 và bằng 175% kế hoạch năm.

SHB đã báo lãi trước thuế 2020 là 3.268 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước.

Trong khi đó, VIB báo cáo con số lợi nhuận trước thuế 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với năm 2019.

Một lý do khiến cổ đông ngân hàng chờ đợi khoản cổ tức 2020 bằng tiền ngoài lý do ngân hàng lãi lớn trong năm qua còn xuất phát từ việc, khác với thường lệ, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ban hành ngày 7/1/2021 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 không đề cập đến câu chuyện “các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt”.

Đến ngày 5/3/2021, Thống đốc NHNN ban hành Văn bản số 1370/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống và tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhưng cũng không yêu cầu các ngân hàng “không chia cổ tức bằng tiền mặt”.

“Có thể nhằm tạo cơ hội cho các ngân hàng xoa dịu sự bức xúc của cổ đông, cơ quan quản lý không đề cập đến câu chuyện này trong các chỉ thị và văn bản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét.

Nhiều ngân hàng vẫn trả bằng cổ phiếu

Tuy nhiên, TS. Hiếu vẫn cho rằng, các cổ đông nên để lại toàn bộ hoặc ít nhất 30% cổ tức tại ngân hàng. Đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng cần nhìn về tương lai, thay vì lợi ích trước mắt.

Ảnh tác giả

Có thể nhằm tạo cơ hội cho các ngân hàng xoa dịu sự bức xúc của cổ đông, cơ quan quản lý không đề cập đến câu chuyện này trong các chỉ thị và văn bản.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

Ghi nhận của người viết, một số ngân hàng đã tổ chức đại hội cổ đông hoặc công bố tài liệu đại hội đều có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Cuối tuần qua, BIDV đã trở thành ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông sớm nhất trong hệ thống tín dụng.

Mặc dù không quá “nóng” chuyện giữ lại cổ tức để tăng vốn như VietinBank hay Vietcombank, bởi cuối năm 2019 sau khi hoàn tất thương vụ với KEB Hana Bank, BIDV đã tăng quy mô vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng, nhưng Ngân hàng vẫn trình phương án phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%).

Bên cạnh đó, BIDV lên kế hoạch phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ, tương đương 8,5% vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2020, để nâng vốn điều lệ lên 48.524 tỷ đồng, tương đương tăng 20,6%.

Dự kiến tổ chức đại hội cổ đông ngày 24/3 tới, VIB cho biết, tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, 2021 là năm thứ 2 Ngân hàng trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để giữ lại tăng vốn.

Ngoài phương án tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40%, VIB cũng dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này là khoảng 16.000 tỷ đồng, đáp ứng các tỷ lệ an toàn trong kinh doanh.

Với việc dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, mùa đại hội cổ đông năm nay của ngành ngân hàng dường như đến sớm hơn năm 2020. VietinBank đã chốt lịch tổ chức đại hội vào ngày 16/4, Eximbank cũng vừa ra thông báo triệu tập họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 lần 3 và đại hội cổ đông thường niên năm 2021 vào ngày 26 và 27/4/2021 tại Hà Nội.

Một lãnh đạo cao cấp của OCB cho biết, đại hội cổ đông của Ngân hàng dự kiến cũng tổ chức trong tháng 4 tới. Câu chuyện cổ tức được dự báo tiếp tục là chủ đề được cổ đông các ngân hàng cũng như nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm đặc biệt trong mùa đại hội năm nay.

Link nội dung: http://khoahoccuocsong.webnew.tech/bat-den-xanh-cho-ngan-hang-chia-co-tuc-a5145.html