Tìm hiểu về nông nghiệp đô thị và đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị Bình Dương

Nông nghiệp đô thị là ngành kinh tế trong và ven đô thị, sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực, thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh; dùng phương pháp canh tác hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; tăng thêm không gian xanh và cơ hội thư giãn cho người dân đô thị.

Sơ lược về nông nghiệp đô thị

Từ cuối thế kỷ 20, nông nghiệp đô thị (NNĐT) đã trở thành xu thế trong quá trình phát triển đô thị ở các quốc gia. Trên thế giới, gần 1/3 lượng rau, quả, thịt, trứng cung ứng cho đô thị là từ nông nghiệp đô thị, 25 - 75% số gia đình ở thành phố phát triển theo mô hình nông nghiệp đô thị. Ở Matxcơva (Nga), 65% gia đình có mô hình VAC đô thị, ở Dactxalam là 68%, Maputo 37%,... Tại Béclin (Đức), có 8 vạn mảnh vườn trồng rau ở đô thị; hàng vạn cư dân ở Niu Oóc (Hoa Kỳ) có vườn trồng rau trên sân thượng. Tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,... nông nghiệp đô thị cung cấp tới 85% nhu cầu về rau xanh, 50% về thịt trứng của người dân.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp giải thích cho xu hướng phát triển của nông nghiệp đô thị, cho rằng, giá cả lương thực tăng tạo ra những sự thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, phong trào sử dụng các loại thức ăn hữu cơ là yếu tố chính thúc đẩy mô hình nông nghiệp đô thị phát triển.

Ở Việt Nam, do nhu cầu phát triển đô thị và công nghiệp - dịch vụ, quỹ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp; thực tế này đòi hỏi lãnh đạo các địa phương, ngành nông nghiệp cũng như các hộ nông dân phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - vật nuôi, mở ra hướng phát triển cho nông nghiệp đô thị.


tiet-lo-ve-kiet-tac-kien-truc-xanh-khong-lo-trong-tuong-lai-tai-an-do-1632890160.webp

Trong khi các cấp chính quyền, các viện, trường, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu, nghiên cứu; thì tự bản thân người dân ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và một số địa phương khác, đã nghiên cứu, sáng tạo và tìm ra các phương thức sản xuất riêng cho mình, phù hợp với điều kiện đất đai hạn chế nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao; sau đây là một vài ví dụ cụ thể:

Hà Nội, từ lâu người dân đã trồng rau muống trên ao hồ kênh mương, nổi danh với húng Láng, rau Tây Tựu, đào Nhật Tân, cam Canh bưởi Diễn, cá rô Đầm Sét, tôm cá Hồ Tây,… Thủ đô là địa bàn vừa sản xuất, vừa gắn với thị trường tiêu thụ lớn và có nhiều đơn vị nghiên cứu của Trung ương về nông nghiệp nên có lợi thế hơn hẳn các tỉnh, thành khác trong việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất. Điển hình như mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc bưởi Diễn ở khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), Phương Đình (Đan Phượng) cho giá trị thu nhập đạt trên 150-200 triệu đồng/ha, mô hình trồng cam Canh ở Cao Viên (Thanh Oai) cho thu nhập 250-300 triệu đồng/ha, chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì, Gia Lâm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ/năm… Hà Nội còn có các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều nhà máy chế biến thức ăn, các cơ sở sản xuất giống giải quyết đầu ra cho nông sản.

Hiện nay, nhiều hộ gia đình đang kinh doanh chim cảnh, cá cảnh, chó cảnh, cây cảnh rất có hiệu quả. Hà Nội mở rộng càng tạo điều kiện làm phong phú hơn nữa NNĐT. Tuy nhiên, do việc mở rộng thành phố và đô thị hóa, có hàng nghìn hộ nông dân ngoại thành có đất trong diện quy hoạch đang chưa tìm được việc làm thích hợp; vấn đề này cần phải xoá bỏ và NNĐT được xác định là công cụ thích hợp để làm việc này. Hà Nội đang khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung và hoàn thành quy hoạch phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn Thủ Đô đến năm 2020; xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản ổn định với hệ thống cơ sở thương mại đều khắp ở các vùng; khuyến khích các tổ chức, cá nhân hợp tác trực tiếp với nông dân, hợp tác xã sản xuất các loại nông sản chất lượng cao dần thay thế các sản phẩm nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa; nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.

Hải Phòng, giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn qua tăng khá cao 4,54%/năm (2006-2010); mặc dù diện tích gieo trồng giảm khoảng 1,16%/ năm, nhưng năng suất các loại cây trồng đều tăng. Trên địa bàn thành phố phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở đô thị và xuất khẩu, nâng giá trị sản xuất nhiều cánh đồng, vườn cây đạt khoảng 100 triệu đồng/ha. Phát triển nhanh các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp. Đến nay trên địa bàn thành phố đã có 618 trang trại chăn nuôi. Giá trị sản xuất thủy sản bình quân ước tăng 7,87%/ năm, từng bước khẳng định là trung tâm sản xuất giống thủy hải sản ở miền Bắc.

Tuy nhiên, nông nghiệp của thành phố còn đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Đó là đô thị hoá nhanh đã ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, hơn 1.000 ha đất nông nghiệp dành cho các dự án và phát triển đô thị; nông dân mất đất canh tác cùng với thiếu việc làm, gia tăng chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm xã hội; ô nhiễm môi trường phát sinh, suy thoái tài nguyên,… Trong bối cảnh đó, phát triển nền nông nghiệp đô thị - sinh thái bền vững, xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc thù của Hải Phòng là định hướng quan trọng.

Mục tiêu đến năm 2020, thành phố phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm – thủy sản đạt trên 6,0%/năm, giá trị sản xuất canh tác trên 100 triệu đồng /ha/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất phù hợp, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Thái Nguyên, Những năm gần đây, quá trình đô thị hoá diễn ra với tốc độ rất nhanh; năm 2002, thành phố thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị. Theo đó, một số gia đình được chọn tham gia dự án trồng hoa trong nhà lưới, được hỗ trợ 100% kinh phí mua giống, xây dựng nhà lưới, chuyển giao kỹ thuật. Sau một năm thực hiện, mô hình đã cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp đô thị rất cần thiết nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nếu không có nguồn hỗ trợ thì người dân không thể thực hiện. Hơn nữa, dù mô hình rất hiệu quả nhưng khi nhân rộng lại gặp khó khăn. Nguyên nhân muôn thuở vẫn là... vốn.

Đà Nẵng là một trong những địa phương có những mô hình nông nghiệp đô thị khá độc đáo. Mấy năm gần đây, nhất là khi Chỉ thị 12/2006/CT-UBND của UBND TP. Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi diễn ra khá sôi động.Thành quả đáng kể nhất là nghề làm sinh vật cảnh, trồng rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn có cơ hội làm giàu.

Địa chỉ được nhiều người biết đến đó là: Công ty TNHH cây cảnh Văn Khoa trở thành cơ sở sản xuất cây cảnh lớn nhất Đà Nẵng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 30 công nhân, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng/năm. Cũng từ đây, hàng trăm nông dân tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh; làm cho mô hình trồng hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Một gia đình khác ở phường Bình Thuận (Hải Châu) có cách làm khá độc đáo khi sản xuất rau sạch ngay tại ngôi nhà của mình trong hẻm sâu; mô hình rau mầm đem đến cơ hội làm giàu, hiện mỗi ngày hộ xuất bán 20-30kg, thu 600.000-700.000 đồng. Một cán bộ ngành khuyến nông cho biết: “Không cứ gì ở nông thôn mới làm nông nghiệp mà ngay cả vùng nội thị cũng có thể làm rất thành công, nếu biết tận dụng không gian hẹp ở mỗi gia đình, nuôi trồng các cây - con phù hợp”.

TP.Hồ Chí Minh là nơi có tốc độ đô thị hoá nhanh nhất cả nước. Phát triển NNĐT rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, thủy văn, khoa học công nghệ và đặc biệt là con người và thị trường tiêu thụ lớn,… thành phố đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhằm phát triển nông nghiệp đô thị. Kết quả bước đầu của việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp thành phố thời gian qua là tạo việc làm cho nhiều lao động tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện môi trường, đóng góp vào sự tăng trưởng của nông nghiệp thành phố. Có thể thấy, “Chương trình phát triển hoa, cây cảnh, chim, cá cảnh” ở TP. Hồ Chí Minh cho hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đầu năm 2008 đến nay, các doanh nghiệp và hộ nuôi cá cảnh đã xuất khẩu bình quân 1-2 triệu con cá cảnh các loại sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... với kim ngạch đạt 2-3 triệu USD, tăng bình quân 30%/năm.

Nhằm phát triển nông nghiệp đô thị lên một tầm cao mới vào những năm 2020 và xa hơn; trong năm 2009 thành phố đã phê duyệt quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2025 và đang đẩy mạnh nghiên cứu, quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất cho từng loại cây con, vùng sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Hiện nay thành phố đã và đang xây dựng các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao như: Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (Củ Chi), Trung tâm Công nghệ Sinh học (Quận 12), Trung tâm thủy sản (Cần Giờ), trại thực nghiệm Bò sữa công nghệ cao - hợp tác Israel (Củ Chi),... nhằm tạo ra các giống cây trồng vật nuôi chất lượng cao, đặc sản, phân bón, kỹ thuật để cung cấp cho nhu cầu tại chỗ và thị trường bên ngoài trong tiến trình phát triển nông nghiệp đô thị.

Lâm Đồng: Đà Lạt hiện là một địa phương có thế mạnh trong phát triển NNĐT và nông nghiệp công nghệ cao. việc ứng dụng công nghệ sinh học vào các vườn rau thực nghiệm; sản xuất giống cây trồng bằng công nghệ nuôi cấy mô, chủ yếu là nhân giống các loại hoa. Nhờ đó, mỗi năm, thành phố này sản xuất khoảng 12 - 14 triệu cây giống sạch bệnh, trong đó xuất khẩu trên 5 triệu cây với hơn 100 giống hoa các loại, đem về 4 triệu USD/năm... Tỉnh đang chuẩn bị xây dựng Trung tâm Xuất sắc quốc gia về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt để trình các cấp phê duyệt ngay trong năm 2011. Dự kiến, Trung tâm sẽ được đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng trên diện tích 100ha tại huyện Lạc Dương. Khi đi vào hoạt động ổn định sẽ tác động trực tiếp đến các vùng chuyên canh rau hoa của Lâm Đồng. Ước tính Trung tâm sẽ mang về cho tỉnh khoản lợi nhuận tăng khoảng 400 - 500 tỷ đồng, góp phần đưa giá trị xuất khẩu nông sản của Lâm Đồng đạt 750 - 800 triệu USD/năm vào năm 2015.

Không chỉ mang lại lợi ích xã hội, nông nghiệp đô thị còn mang lại lợi ích kinh tế khá lớn; ở vị trí cửa ngõ thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), xã Hiệp An có lợi thế về giao thông thủy lợi, đất đai phì nhiêu,... xã được tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới. Hiện hàng trăm hécta đất trồng lúa của xã trước đây đã được chuyển sang trồng rau, hoa. Có những hộ chuyên trồng các loại hoa cao cấp như layơn, hồng, đồng tiền, địa lan,… thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Trước đây, bà con chỉ trồng rau để bán cho thị trường nội địa, nhưng nay đã có rau thương phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.

Cần Thơ: cũng gặp trở ngại trong phát triển nông nghiệp đô thị chủ yếu do những vướng mắc trong quy hoạch, chiến lược bền vững. Trên thực tế, với lợi thế “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, Cần Thơ đủ điều kiện để phát triển nền nông nghiệp đô thị. Tuy nhiên, từ trước đến nay, nông nghiệp Cần Thơ chỉ sản xuất lúa gạo, tôm cá, trái cây... trên cơ sở khai thác thuận lợi về tự nhiên, chưa có sự đầu tư về khoa học và công nghệ. Các loại nông sản này có giá trị thấp, hiệu quả sản xuất không cao nên đời sống nông dân còn khó khăn. Chuyển sang nền nông nghiệp đô thị, nghĩa là tạo ra những sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mà còn phục vụ đời sống văn hoá và tinh thần, như cây cảnh, hoa, cá kiểng... Việc này đòi hỏi nhiều vốn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao mới mang lại hiệu quả. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông vùng còn thấp kém, cần nâng cấp, cải thiện để góp phần rút ngắn khoảng cách giữa Cần Thơ với TP. Hồ Chí Minh, các vùng miền trong nước và thị trường quốc tế, để các sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng. Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho những người có điều kiện và muốn làm nông nghiệp đô thị, giúp bà con nâng cao trình độ và khả năng tiếp nhận, ứng dụng vào sản xuất.

Bình Dương: Theo quy hoạch nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, mục tiêu phát triển của ngành là: Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại hóa; sản xuất hàng hóa có khối lượng lớn, an toàn, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa.

Phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị gắn với nuôi trồng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, ứng dụng công nghệ sinh học; là một trong bảy chương trình của UBND tỉnh để thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND về phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011 - 2015.

Theo Quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, vùng nông nghiệp tại các huyện phía Nam của tỉnh được định hướng sẽ phát triển mô hình nông nghiệp đô thị sinh thái, ít sử dụng đất, ứng dụng công nghệ cao; trồng cây ăn trái đặc sản, các loại rau, hoa, cây cảnh, nuôi trồng các loại sinh vật cảnh, tạo mảng xanh đô thị...

Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng trong thời gian qua, việc hình thành nền NNĐT trên địa bàn tỉnh là chưa thật rõ ràng; mặc dù, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh người dân đã chú ý đến việc xây dựng các mô hình nông nghiệp cho phù hợp với quá trình đô thị hoá ngày càng nhanh, như: trồng rau mầm, trồng nấm, trồng rau thủy canh, các mô hình trồng hoa lan, bon sai, cây cảnh và cách nuôi các loại động vật đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nguyên do đây là những mô hình mới, mang tính trình diễn thí điểm, đòi hỏi người nông dân cần phải nhanh nhạy trong việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nắm bắt nhu cầu của thị trường; nguồn vốn đầu tư cao cũng là khó khăn, trung bình đầu tư cho các mô hình này là từ 30 - 40 triệu đồng, riêng các mô hình trồng hoa lan có vốn đầu tư hàng tỷ đồng. Qua đánh giá sơ bộ, các mô hình NNĐT kiểu này cho thu nhập cao gấp từ 8 - 10 lần so với các mô hình nông nghiệp canh tác theo kiểu truyền thống.

Như vậy, có thể thấy rõ, ưu điểm của nông nghiệp đô thị là không chỉ tạo ra nguồn nông sản tươi sống, giá rẻ, cung ứng tại chỗ cho cư dân đô thị, mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nông nghiệp đô thị là nông nghiệp công nghệ cao

Ưu điểm của NNĐT là diện tích sản xuất nhỏ, phù hợp với điều kiện ở thành thị; để phát triển thành công NNĐT phải gắn liền với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại hay còn gọi là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) và các sản phẩm sản xuất ra tập trung phục vụ ngay cho nhu cầu của khu vực đô thị như: hoa lan, cây cảnh, cá cảnh, nuôi trồng các loại đặc sản, cao sản,… ngoài giá trị trong sinh hoạt còn góp phần tạo mỹ quan đô thị, tạo nét văn hóa đô thị và cải thiện môi trường sinh thái theo hướng xanh- sạch- đẹp, hài hòa giữa thiên nhiên với con người.

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có chính sách phát triển nông nghiệp đô thị bền vững thì mới tận dụng được ưu điểm như: giảm đóng gói, lưu trữ, vận chuyển; cung cấp dịch vụ tươi sống; tạo việc làm và tăng thu nhập;… Để phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, vai trò của lực lượng khuyến nông là vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa nhà khoa học, nhà quản lý và nhà nông, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ kỹ thuật.

Hiện, công tác khuyến nông của Thủ đô Hà Nội tập trung đẩy mạnh các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng các mô hình khuyến nông tiêu biểu, đạt giá trị 100 – 200 triệu đồng/ha, điển hình như chương trình sinh vật cảnh. Trong chương trình phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2015, khuyến nông Hà Nội xác định 4 chương trình trọng điểm, đó là: rau an toàn, lợn nạc, vùng hoa và vùng cây cảnh.

Tương tự, TP. Hồ Chí Minh cũng tập trung phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao, đẩy mạnh chương trình cây, con chủ lực, từng bước hình thành trung tâm giống của khu vực. Một giải pháp quan trọng là cần phải tập trung vào thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu loại hình sản xuất phù hợp để nông nghiệp đô thị trở thành nông nghiệp công nghệ cao. Khuyến nông phải là đầu tàu để từ đó có thể lan tỏa, kéo cả toa tàu nông nghiệp đô thị đi lên. 

lan12-1632969209.jpg Mô hình trồng lan Dendro của ông Mai Quốc Thái ở xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đề xuất một số giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị tỉnh Bình Dương

Qua tìm hiểu sơ lược NNĐT ở các tỉnh thành, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển NNĐT tỉnh Bình Dương như sau:

(1). Công tác quy hoạch:

- Tiếp tục nghiên cứu và quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất giống, các vùng sản xuất cây trồng vật nuôi chủ yếu đến cấp cơ sở;

- Công khai, phổ biến các quy hoạch, nghiên cứu khoa học về phát triển sản xuất nông nghiệp đến các cấp chính quyền và người dân; nâng cao tính pháp lý của quy hoạch, thực hiện nghiêm minh quy hoạch được duyệt.

(2). Vốn đầu tư, tín dụng:

- Vốn ngân sách tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn; các khu nông nghiệp công nghệ cao.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ và cho vay ưu đãi của Trung ương và tỉnh.

- Phát triển mạng lưới tín dụng ở nông thôn ngoại thành phục vụ cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

(3). Xây dựng các chương trình mục tiêu để tập trung phát triển thành công từng lĩnh vực:

- Giống cây, con chất lượng cao;

- Hoa-cây kiểng-cá cảnh;

- Phát triển rau an toàn;

- Phát triển chăn nuôi;

- Bảo tồn và phát triển các làng nghề…

(4). Nguồn nhân lực:

- Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp nông thôn theo các yêu cầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật.

- Tăng cường cả số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên khuyến nông cấp cơ sở và thay đổi phương pháp khuyến nông theo hướng truyền đạt kiến thức đến nông dân bằng “ngôn ngữ nông dân”.

- Củng cố và phát triển kinh tế tập thể.

(5). Khoa học công nghệ:

-Xây dựng và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản;

- Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực lai tạo giống cây, con chủ lực với từng vùng sinh thái, đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu...

(6). Xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường:

- Xây dựng, đăng ký các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản hàng hóa. 

- Mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh thành trong phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.

(7). Bảo vệ môi trường:

Thực hiện nông nghiệp tốt (Good Agriculture Practices - GAP) với những nguyên tắc được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh.

- Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong trồng trọt, như: giống mới, nhà kính, nhà lưới, tự động và bán tự động trong tưới tiêu, sử dụng phân bón hữu cơ. 

- Chăn nuôi: sử dụng nguồn giống chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống chuồng trại (chú ý khâu làm mát, khử mùi) gắn sản xuất với chế biến và xử lý môi trường trong sạch như mô hình biogas, ủ phân sinh học,...

- Các sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc sản, phục vụ nhu cầu tinh thần như: hoa, cây kiểng, cá cảnh, cá sấu,... thực hiện các quy định chặt chẽ về an toàn, vệ sinh, bảo vệ môi trường./.

KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ Ở BÌNH DƯƠNG

Năm 2012, UBND tỉnh Bình Dương có quyết định về “Những giải pháp, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 - 2015” đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cấp cho Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh theo hình thức ủy thác cho vay.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có quyết định về “Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020”. Theo đó, các phương án sản xuất của các cá nhân, tập thể, tổ chức đầu tư lĩnh vực nông nghiệp đô thị có thể vay vốn với lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định. Mức vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án, nếu quy mô đầu tư của phương án từ một tỷ đồng trở xuống; tối đa bằng 80%, nếu quy mô đầu tư của phương án hơn một tỷ đồng. Chu kỳ vay kéo dài đến 60 tháng. Tính đến ngày 31-3-2017, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương đã thẩm định và quyết định cho vay 22 phương án với tổng mức vốn được duyệt vay 102 tỷ đồng, lãi suất 3,2%/năm; hiện đang tiếp tục nhận và xét duyệt các hồ sơ vay vốn.

Năm 2017, Bình Dương phê duyệt báo cáo Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020” nhằm phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, đây là chương trình nhằm tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị, kết hợp nông nghiệp truyền thống với nông nghiệp công nghệ cao. Sản phẩm sản xuất ra phải theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm. Gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến và quá trình đô thị hóa. Phát triển nông nghiệp đô thị còn có vai trò quan trọng đối với phát triển đô thị thông qua cải thiện cảnh quan đô thị, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tại chỗ cho người dân đô thị, bảo đảm sức khỏe của người dân…

Đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp đô thị của tỉnh đạt trên 150ha (tăng 15% so với năm 2016). Tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao đạt 5.345,3ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2016. Nhiều các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh,…

Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối được các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.​

Tính tới nay, toàn tỉnh có 75 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 469ha. Qua đó, giá trị bình quân sản xuất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm. Một số mô hình trồng bưởi ứng dụng công nghệ cao có thu nhập bình quân trên 1 tỷ đồng/ha/năm.

Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao sản xuất ổn định với 142 trang trại đầu tư chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt với tổng đàn gần 8,3 triệu con. Chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 154 trang trại với tổng đàn 517 ngàn con. Chăn nuôi vịt thịt có 15 trại với số lượng 205 ngàn con. Nhiều công ty, trang trại và hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến đạt tiêu chuẩn châu Âu vào sản xuất chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Bình Dương còn xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, hiện đã có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) và Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo).

PHANO (Tổng hợp)

 

BBV

Link nội dung: http://khoahoccuocsong.webnew.tech/tim-hieu-ve-nong-nghiep-do-thi-va-de-xuat-mot-so-giai-phap-phat-trien-nong-nghiep-do-thi-binh-duong-a5787.html