Trên 225 triệu giao dịch qua ví điện tử trong quý I/2020

23/08/2020 21:33

Lượng giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam trong quý I/2020 tăng cao với tổng số 225 triệu lượt giao dịch.

Theo ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNN), đến nay NHNN đã cấp phép cho 37 tổ chức trung gian thanh toán, trong đó có 34 ví điện tử.

Tính đến hết quý I, Việt Nam đang có 13 triệu tài khoản ví điện tử được kích hoạt, sử dụng với tổng số dư ví vào khoảng 1.360 tỷ đồng.

Theo nhận định của đại diện Vụ Thanh toán, số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán qua ví ngày càng tăng là một trong những tín hiệu tốt. Bởi vì, mạng lưới chấp nhận thanh toán rộng khắp là một trong những điều kiện quan trọng cho ví điện tử phát triển và góp phần phổ cập tài chính tại Việt Nam. “Các đối tượng khách hàng chưa được tiếp cận với ngân hàng như người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc thu nhập thấp có thể tiếp cận trước với hình thức ví điện tử”, ông Dũng nói.

Số liệu từ NHNN cho thấy, trong quý I có khoảng 225,6 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử với giá trị giao dịch 77.700 tỷ đồng. Ông Lê Anh Dũng đánh giá, dù tổng số giao dịch trong quý I tăng cao nhưng giá trị giao dịch lại giảm (khoảng 7%). Nguyên nhân là do những tác động của Covid-19 diễn ra trong thời gian này đã tác động đến người tiêu dùng.

Trên 225 triệu giao dịch qua ví điện tử trong quý I/2020 - Ảnh 1.

.

Các ví điện tử phổ biến trên thị trường hiện nay như MoMo, Zalopay, Moca, Payoo, Airpay thường được sử dụng cho các dịch vụ thiết yếu như: nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn định kỳ, thanh toán dịch vụ giao đồ ăn hay đặt xe công nghệ. Các chuyên gia đánh giá ví điện tử vẫn có nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.

Ông Đào Dương Thành, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty cổ phần công nghệ và dịch vụ Moca (Ví điện tử Moca) cho biết: Dịch Covid-19 tạo ra những xáo trộn lớn trong cuộc sống người dân nhưng cũng tạo ra những thay đổi đáng kể trong hành vi tiêu dùng. "Các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế di chuyển đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng như không dùng tiền mặt nhiều hơn", ông Thành nói.

Theo số liệu được ông Thành chia sẻ: Tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab (với các dịch vụ gọi xe, đồ ăn, giao hàng…) chiếm tỷ lệ 43%. Trong đó, dịch vụ GrabMart chiếm tới 70% giao dịch không dùng tiền mặt trên nền tảng gọi xe này. Chỉ tính riêng trong tháng 3, số người lần đầu tiên thanh toán không tiền mặt quá ví Moca trên nền tảng Grab tăng tới 22,5% so với trước đó.

“Các doanh nghiệp cần thích ứng và thay đổi để đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dùng trong giai đoạn bình thường mới”, ông Thành cho biết thêm.

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, hiện hành lang pháp lý đối với lĩnh vực trung gian thanh toán nói chung và ví điện tử nói riêng đã được dần hoàn thiện để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh của tổ chức cung ứng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thực tế của người sử dụng. Cụ thể, Thông tư 23 sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 có hiệu lực từ đầu năm 2020 đã có những hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc triển khai cung ứng dịch vụ Ví điện tử;  Bổ sung các quy định về hoạt động bù trừ điện tử, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ (ACH).

Theo Duy Vũ

ICT News

Bạn đang đọc bài viết "Trên 225 triệu giao dịch qua ví điện tử trong quý I/2020" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0977.381.982) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan.kinhtexanh@gmail.com).